Tiếng việt lớp 3: Từ chỉ sự vật và từ chỉ đặc điểm


Ôn tập từ chỉ sự vật và từ chỉ đặc điểm trong tiếng việt lớp 3

Trong chương trình tiếng việt lớp 3, học sinh sẽ được làm quen với nhiều chuyên đề về luyện từ và câu. Đặc biệt, không thể bỏ qua phần phân loại từ. Chuyên đề phân loại từ giúp học sinh mở rộng vốn từ, biết cách sử dụng từ ngữ chính xác trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đồng thời làm quen với các loại từ và sử dụng chúng một cách thành thạo. Một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu của phần phân loại từ chính là từ chỉ sự vật và từ chỉ đặc điểm. 

 Từ chỉ sự vật trong tiếng việt lớp 3 là gì ? 

Hàng ngày, chúng ta đều được nhìn thấy và tiếp xúc với rất nhiều sự vật xung quanh ( đồ vật, cây cối, con người, hiện tượng,...), các sự vật này tồn tại một cách rõ ràng, cụ thể và có thể dễ dàng nhận biết. Vì thế cho nên, những từ dùng để gọi tên của các sự vật  được gọi là từ chỉ sự vật, cụ thể:

- Con người: học sinh, bố mẹ, ông bà, bạn bè, thầy giáo,...

- Đồ vật: bút chì, ghế, xe đạp, sách vở,...

- Con vật: Cá, mèo, chó, hươu,....

- Cảnh vật/ cây cối: Cây bàng, đồng cỏ, hoa, rừng, bãi biển, sông, núi, ao hồ,...

- Hiện tượng: nắng, mưa, gió, bão,....

Ví dụ:

“Khi mà bình minh vừa ló dạng, những con mèo vẫn còn nằm lười trong góc bếp thì các bác nông dân đã vội vã ra đồng.”

Những từ chỉ sự vật trong câu trên gồm có: bình minh, con mèo, góc bếp, bác nông dân, đồng.

Đặc điểm của từ chỉ sự vật khi học tiếng việt lớp 3, gồm có

- Mô phỏng chính xác những sự vật cụ thể thông qua thực tế, rõ ràng.

- Đánh giá tính chất, hình ảnh của sự vật

- Nói về những sự vật dưới dạng tồn tại và có thể nhận biết được.

Từ chỉ đặc điểm trong tiếng việt lớp 3

Trong tiếng việt, đặc điểm được hiểu là những từ dùng để nói về nét đặc trưng, riêng biệt của một sự vật, hiện tượng được nhắc đến. Khi nói về đặc điểm, người ta thường sẽ chú ý đến vẻ bề ngoài của một vật cụ thể mà họ cảm nhận được thông qua những giác quan (khứu giác, vị giác, xúc giác, thính giác, thị giác), đó có thể là âm thanh, hình dáng, hình khối, màu sắc của một sự vật, hiện tượng cụ thể. Tuy nhiên, những sự vật, hiện tượng đều có những tính chất và cấu tạo đặc trưng riêng mà chỉ có thể dựa vào quá trình phân tích, quan sát, suy luận mới nhận định được.

Từ đó, khái niệm từ chỉ đặc điểm trong tiếng việt lớp 3 được hiểu là những từ được dùng để mô tả đặc trưng của sự vật, sự việc, hiện tượng cụ thể liên quan đến mùi vị, màu sắc, hình dáng và những đặc điểm đặc trưng khác. Chẳng hạn như:

-  Màu sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, hồng, trắng,...

-  Âm thanh: róc rách, ầm ầm, xào xạc, vi vu, lao xao, ào ào, râm ran,...

-  Hương vị: chua, chát, đắng, mặn, ngọt, hắc, thơm,...

-  Tính cách: Hiền, dữ,...

-  Kích cỡ: Dài, ngắn, to, nhỏ,...

-  Cảm giác: Cay, mặn, ngọt,...

-  Tính chất: Đúng, sai, chất lỏng, rắn,...

Một số ví dụ từ chỉ đặc điểm:

- Quả bóng đang bay trên bầu trời có màu xanh.

Từ chỉ đặc điểm ở trường hợp này là từ “màu xanh”.

- Khi vừa bước chân vào rừng trúc, ta sẽ nghe thấy những âm thanh xào xạc rất êm tai.

Từ chỉ đặc điểm ở đây là “xào xạc”.

- Bạn Mai ở lớp em vừa hiền lại vừa ngoan.

Từ chỉ đặc điểm ở câu này là “hiền” và “ngoan”.

Từ chỉ đặc điểm tiếng việt lớp 3 có những loại nào ?

Thông thường, từ chỉ đặc điểm có rất nhiều loại khác nhau nhưng xét theo tính chất thường có 2 loại:

+ Từ chỉ đặc điểm bên ngoài: Đây là những từ nói về nét riêng của sự vật thông qua những giác quan của con người như mùi vị, màu sắc, âm thanh, hình dáng.

Ví dụ: vuông vắn, thẳng tắp, màu xanh, màu vàng, màu đỏ

+ Từ chỉ đặc điểm bên trong: Đây là những từ có nét đặc trưng riêng mà trong quá trình quan sát, phân tích, suy luận mới rút ra được như tính tình, cấu tạo, tính chất,...

 Ví dụ: tốt bụng, hiền lành, nhân hậu,...

Bí quyết để hiểu và học hiệu quả từ chỉ sự vật và từ chỉ đặc điểm lớp 3

- Hiểu rõ về bản chất từ chỉ sự vật và từ chỉ đặc điểm

- Tổ chức các trò chơi về tiếng việt

- Học luôn đi đôi với hành

- Trau dồi vốn từ vựng tiếng việt.

 Bài tập vận dụng:

Bài 1: Liệt kê và sắp xếp các từ chỉ sự vật trong trường hợp sau đây vào nhóm thích hợp:

 Mang theo truyện cổ tôi đi

Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa

Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa

Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi

Đời cha ông với đời tôi

Như con sông với chân trời đã xa

Chỉ còn truyện cổ thiết tha

Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.

 

Đáp án: Truyện cổ, cuộc sống, tiếng, xưa, cơn, nắng, mưa, con, sông, rặng, dừa, dời, cha ông, con sóng, chân trời, truyện cổ, mặt, ông cha.

– Từ chỉ người: cha ông, ông cha.

– Từ chỉ vật: sông, dừa, chân trời. mặt.

– Từ chỉ hiện tượng: nắng, mưa.

– Từ chỉ khái niệm: truyện cổ, cuộc sống, tiếng, xưa, đời.

– Từ chỉ đơn vị: cơn, con, rặng.

Bài 2: Liệt kê các từ chỉ đặc điểm trong trường hợp sau đây:

Trong vườn nhà tôi có rất nhiều loại cây. Cây nào cũng xum xuê tán lá, tạo thành một khung trời xanh tươi. Tôi yêu nhất là cây khế mọc gần ao. Cành khế loà xoà xuống mặt nước trong vắt. Quả khế chín mọng, vàng rộm như vẫy gọi bọn trẻ chúng tôi.

Đáp án: xanh tươi, vàng rôm, xum xuê, lòa xòa, trong vắt, chín mọng.

Bài 3: Liệt kê 5 từ chỉ sự vật mà em biết: 

- Chỉ đồ vật: bàn, ghế, tủ, xe, giường,....

- Chỉ con vật: con mèo, con hươu, con vượn, con chim, con cá,...

- Chỉ hiện tượng: sấm, chớp, gió, mưa, lũ,...

Bài 4: Sắp xếp các từ cho sẵn vào các nhóm phù hợp: thấp bé, hiền lành, thâm độc, cứng cáp, lấp lánh, lung linh, to lớn, dẻo dai, vuông vắn, dịu dàng.

Đáp án:

- Từ chỉ đặc điểm tính cách: hiền lành, thâm độc, dịu dàng

- Từ chỉ đặc điểm tính chất: cứng cáp, lấp lánh, lung linh, dẻo dai

- Từ chỉ đặc điểm hình dáng: thấp bé, vuông vắn, to lớn

Bài 5: Hoàn thành đoạn văn bằng cách điền từ chỉ đặc điểm cho sẵn: 

  • ấm áp, mơn mởn, thơm ngát, xanh biếc:

“Mùa xuân, trên những cành cây mọc đầy những lá non…….. Hoa chanh, hoa bưởi tỏa hương…….. Những cánh hoa trắng muốt rắc đầy sân. Mùa xuân, tiết trời…... Những cây rau trong vườn ……. vươn lên đón ánh nắng ấm áp của mặt trời.”

Đáp án:

“Mùa xuân, trên những cành cây mọc đầy những lá non xanh biếc. Hoa chanh, hoa bưởi tỏa hương thơm ngát. Những cánh hoa trắng muốt rắc đầy sân. Mùa xuân, tiết trời ấm áp. Những cây rau trong vườn mơn mởn vươn lên đón ánh nắng ấm áp của mặt trời.”

  • Sớm mai, cánh đồng, ngọn cây, ánh nắng, sương:

“Tôi thích nhất là được cùng mẹ ra thăm đồng vào buổi……..Khi ấy, những…….đầu tiên của ngày mới rọi xuống……., làm bừng sáng cả không gian. …….lúc này vẫn còn đọng trên từng….., lá cỏ.”

Đáp án:

Tôi thích nhất là được cùng mẹ ra thăm đồng vào buổi sớm mai. Khi ấy , những ánh nắng đầu tiên của ngày mới rọi xuống cánh đồng, làm bừng sáng cả không gian. Sương lúc này vẫn còn đọng trên từng ngọn cây , lá cỏ.”

Bài 6: Tìm những từ chỉ sự vật về người thích hợp để hoàn thành ô chữ sau đây :

 

Chủ đề: Nghề nghiệp

- Hàng ngang số 1: Người nghiên cứu về lịch sử

- Hàng ngang số 2: Người thiết kế những ngôi nhà

- Hàng ngang số 3: Người điều chế thuốc chữa bệnh

- Hàng ngang số 4: Làm báo

- Hàng ngang số 5: Vẽ đồ họa nhà cửa

- Hàng ngang số 6: Hiểu biết rất rộng

- Hàng ngang số 7: Sáng tác thơ

- Hàng ngang số 8: Sáng tác âm nhạc

- Hàng ngang số 9: Dạy học

Đáp án:

       

Kết luận

Bên cạnh việc nắm chắc lý thuyết và làm nhiều bài tập rèn luyện. Để thực hành tốt về từ chỉ đặc điểm và từ chỉ sự vật, các bé phải không ngừng trau dồi vốn từ của mình. Kiến thức vốn dĩ là vô tận. Chính vì thế, Rabbit Edu ra đời với sứ mệnh đồng hành giúp các bé củng cố và vận dụng kiến thức hiệu quả.